Đình Lưu Hạ được xây dựng từ thế kỷ 14 ở Đồng Sắc, nhân dân gọi là Đình Sắc, đã di chuyển và trùng tu vào thời Nguyễn, công trình có quy mô lớn. Đình tôn thờ 3 vị Thành Hoàng là: Trọng Ngọc Hầu Đại tướng quân Nguyễn Tất Tế, Mộc Hoàn Đại Vương và Linh Chân Cư Sĩ Đại Vương. Thành Hoàng Trọng Ngọc Hầu Đại tướng Quân Nguyễn Tất Tế chính là danh y Nguyễn Đại Năng, đồng thời cũng là Cụ tổ ngành châm cứu Việt Nam là người sinh ra và lớn lên ở nơi đây. Do biến thiên của lịch sử, những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Đình bị hạ giải. Năm 1996, Đình được phục dựng. Năm 2020, Đình Lưu Hạ được khởi công, tôn tại trên vị trí nền Đình cũ, có kiến trúc chữ Đinh gồm 3 gian đại bái và 1 gian hậu cung, diện tích 112m2; tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Chùa Lưu Hạ được xây dựng từ thế kỷ 18, là nơi thành lập Chi bộ Đảng xã Hiệp An (ngày 24/8/1947) – tiền thân của Đảng bộ phường An Lưu và Hiệp An ngày nay. Năm 2010, chùa được công nhận xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Năm 2017 và 2018, chùa được tu bổ ngôi Tam Bảo và nhà Mẫu khang trang tố hảo với kinh phí trên 3,6 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hoá.
Xuất phát từ thực trạng di tích Đình, Chùa Lưu Hạ và thể theo nguyện vọng, mong muốn của nhân dân. Đến nay, tổng thể khuôn viên Đình, Chùa Lưu Hạ được bảo tồn, tôn tạo hài hoà, đồng thời cũng lưu giữ nhiều cổ vật, tượng phật và thành hoàng có giá trị to lớn về văn hoá, lịch sử và phật giáo. Công trình Đình, Chùa Lưu Hạ là biểu tượng của tinh thần đoàn kết của Chi bộ Đảng, Khu dân cư Lưu Hạ đã kêu gọi cán bộ, đảng viên và nhân dân, người con quê hương Lưu Hạ đang sinh sống, học tập, công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc và các cơ quan , đơn vị, doanh nghiệp, phật tử, nhà hảo tâm gần xa phát tâm công đức để tôn tại 2 di tích.


Lễ hội truyền thống Đình, Chùa Lưu Hạ diễn ra trang trọng với nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc được người dân phục dựng, bảo tồn, thể hiện nét đặc trưng văn hoá của đời sống cộng đồng dân cư, đoàn kết gắn bó; tri ân công đức to lớn của các bậc tiền nhân có công lao với đất nước, dân làng; cũng là nơi hội tụ, sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân địa phương./.

