TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Chi bộ đảng đầu tiên – tiền thân
Đảng bộ thị xã Kinh Môn (23/10/1945 - 23/10/2023)
-----
Chi bộ Đảng đầu tiên - tiền thân Đảng bộ huyện Kinh Môn được thành lập ngày 23/10/1945. Ngày 16/10/2019 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương ban hành Quyết định số 1050-QĐ/TU, về việc đổi tên Đảng bộ, các cơ quan, các chức danh lãnh đạo của Đảng bộ huyện thành thị xã Kinh Môn theo Nghị quyết 768/NQ-UBTVQH14, ngày 11/9/2019 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Kinh Môn và các phường thuộc thị xã Kinh Môn.
1. Bối cảnh lịch sử trước khi Đảng bộ Kinh Môn ra đời
Kinh Môn vốn có truyền thống dựng nước và giữ nước từ lâu đời, thời xa xưa, nhân dân Kinh Môn đã đắp đê ngăn lũ, đào mương chống hạn, cải tạo đồng ruộng, biến những sình lầy, lau sậy thành những cánh đồng thâm canh mầu mỡ.
Với truyền thống dựng nước, ngay từ những ngày đầu, nhân dân Kinh Môn đã cùng với nhân dân cả nước đánh giặc Ân. Tiếp đó vào những năm 40 dưới sự lãnh đạo của những vị tướng Thánh Thiện, chị em Thiện Nhân, Thiện Khánh, mẹ con Nguyễn Nguyên Chân và Tống Phố Công; quân dân Kinh Môn đã đứng dậy tự giải phóng khỏi ách thống trị của giặc Đông Hán trước khi đem quân về với Hai Bà Trưng, xứng danh với ca ngợi:“Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp đỡ vua Trưng, mặt nước sông Thương, gươm báu trắng lồng còn lấp lánh”.
Đến thế kỷ thứ XIII, trong sự nghiệp kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, chiến thắng Bạch Đằng lịch sử (1288) trong đó có một phần đất Kinh Môn nằm trong chiến tuyến, quân dân Kinh Môn đã góp phần không nhỏ làm nên chiến công và đã xuất hiện những người con dũng cảm như: Trần Khắc Chung, Đỗ Thiện Thư, Nguyễn Xuân, Trần Thị Bá Hưng, Lý Văn Minh... đã xứng danh với công tích“giúp Trần lưu nghiệp sử xanh, sông Đằng diệt Thát uy danh lẫy lừng” Vua Trần Nhân Tông và Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông đóng quân ở Kính Chủ chuẩn bị đánh Vạn Kiếp năm 1288.
Thế kỷ thứ XV, từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã trở thành cuộc chiến tranh của dân tộc chống quân Minh viết lên thiên anh hùng ca vang lừng “Bình Ngô Đại Cáo”. Trên đất Kinh Môn, còn ghi dấu trận địa Thạch Bàn tại núi Thiên Kỳ của Nguyễn Đình Húc; Trần Hiệp Thanh Sơn của bẩy anh em họ Phạm với những đạo quân“Huyền kỳ song hành, thủy bộ tinh tiến” và những tướng lĩnh người Kinh Môn được ghi vào bậc công thần như: Hoàng Văn An, Trần Trí Dũng, Đào Quốc Khánh...
Giữa thế kỷ XIX, Thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn bạc nhược, đầu hàng thực dân, xã hội Việt Nam từ đây chuyển từ xã hội phong kiến sang xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Do chính sách cai trị nham hiểm, độc ác của Thực dân Pháp, từ cuối thế kỷ XIX, tình hình kinh tế - xã hội, cách mạng cả nước nói chung, tỉnh Hải Dương và Kinh Môn nói riêng, diễn ra hết sức phức tạp; thủ lĩnh Đốc Tít (tên thật là Nguyễn Đức Hiệu) đứng lên chống Pháp lừng lẫy một thời.
Về kinh tế: Thực dân Pháp cấu kết với bọn quan lại, địa chủ ở địa phương cậy quyền, cậy thế chiếm đoạt ruộng đất mà phần lớn là ruộng đất thuộc loại đẳng điền. Người nông dân còn lại rất ít ruộng, nhưng phần lớn là ruộng xấu và xa. Bằng mọi thủ đoạn thâm độc, chúng ra sức bóc lột người lao động. Một trong những thủ đoạn bóc lột phổ biến nhất của bọn quan lại, địa chủ ở Kinh Môn là chiếm ruộng đất, rồi phát canh thu tô, cho vay nặng lãi, gia tăng các khoản thu lạm bổ; cùng với các thủ đoạn của bọn quan lại địa phương, nhà nước còn đặt nhiều thứ thuế. Hàng năm, mỗi người nam giới từ 18 tuổi đến 60 tuổi phải nộp một mức thuế từ 2,5 đồng đến 2,8 đồng tương đương từ 7 đến 10 thùng thóc.
Về chính trị - xã hội: Cùng với chính sách bóc lột về kinh tế, đàn áp người lao động, Thực dân Pháp còn dùng chính sách “ngu dân” để dễ bề cai trị. Ở Kinh Môn lúc này chỉ có 01 trường Kiêm bị ở An Lưu và một số trường Tổng sự, Hương sự. Với số trường ít ỏi này chỉ có một số gia đình giàu có mới có khả năng cho con đi học. Ngược lại, trong chính sách ngu dân để dễ bề cai trị của chúng, chúng lại khuyến khích và duy trì những hủ tục lạc hậu, mê tín như: cô đầu, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè... mua danh, bán sắc đề cao khát vọng ở chốn đình chung. Trong khi đó, các điều kiện để bảo đảm đời sống sức khỏe của nhân dân thì Thực dân Pháp, quan quân triều đình không bao giờ để ý tới. Cả huyện chỉ có một nhà thương An Lưu với một bà đỡ chính, một bà đỡ phụ và hai người hộ sinh. Tình trạng hữu sinh, bệnh dịch tràn lan không được ngăn chặn “cảnh ốm no bò dậy” của người nông dân thường ngày diễn ra trước sự sa hoa đàng điếm của bọn người thường mệnh danh là: “khai hóa văn minh”...
2. Quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên tiến tới thành lập Đảng bộ Kinh Môn
Trước yêu cầu của cách mạng, trên cơ sở hoạt động tích cực của các đồng chí trước và trong Cách mạng tháng Tám, ngày 23 tháng 10 năm 1945 tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Trù, thôn Hán Xuyên, xã Thất Hùng (nay là KDC Hán Xuyên, phường Thất Hùng), đồng chí Trần Cung thay mặt Tỉnh ủy tuyên bố kết nạp và thành lập Chi bộ Đảng cộng sản Kinh Môn gồm 6 đồng chí: Đ/c Nguyễn Văn Trù, Phạm Ngọc Tú, Nguyễn Yên Quý, Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Văn Bật, Vũ Quang Viên, đồng chí Nguyễn Văn Trù làm Bí thư chi bộ. Kể từ đây, phong trào cách mạng của đã có tổ chức Đảng lãnh đạo.
Do yêu cầu của cách mạng, công tác phát triển đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì vậy số đảng viên tăng nhanh. Tính đến tháng 2 năm 1946, toàn có tới 30 đảng viên sinh hoạt ở 3 chi bộ. Để đảm bảo sự thống nhất về lãnh đạo, cuối tháng 2 năm 1946 Tỉnh ủy Hải Dương đã chỉ định Ban Chấp hành ủy Kinh Môn gồm 5 đồng chí: Nguyễn Văn Trù, Phạm Ngọc Tú, Vũ Quang Viên, Nguyễn Yên Quý, Nguyễn Văn Bật. Đồng chí Nguyễn Văn Trù được chỉ định làm Bí thư.
Cuối tháng 02/1946, Tỉnh uỷ chỉ định Huyện uỷ lâm thời, Đảng bộ Kinh Môn được thành lập, công tác phát triển Đảng được đẩy mạnh. Tính đến tháng 6 năm 1946 toàn đã có hàng trăm đảng viên, nhiều chi bộ ghép liên xã được thành lập. Tháng 6 năm 1946, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương khai mạc, Đại hội thành công tốt đẹp, đề ra nhiệm vụ chung cho toàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương; cuối tháng 6/1946, Ban chấp hành ủy Kinh Môn mở rộng họp tại thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa để quán triệt Nghị quyết của Tỉnh ủy và bầu ra Ban Chấp hành mới thay Ban Chấp hành lâm thời. Hội nghị đã bầu đồng chí Dương Trọng Dần làm Bí thư, đồng chí Phạm Ngọc Tú, phó Bí thư ủy, kiêm Bí thư chi bộ Việt Minh. Từ đó, ngày 23 tháng 10 hàng năm trở thành ngày thành lập Đảng bộ Kinh Môn (nay là Đảng bộ thị xã Kinh Môn).
3. Ý nghĩa lịch sử ra đời của Đảng bộ thị xã Kinh Môn
Từ khi được thành lập, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần to lớn vào sự nghiệp chung giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương. Sự ra đời của Đảng bộ huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn) đã đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng đặt ra, khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, như: xây dựng củng cố chính quyền cách mạng, tiến hành lãnh đạo nhân dân trong cùng với nhân dân cả nước đấu tranh giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước cùng cả nước đi lên xây dựng CNXH; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của Đảng, đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
4. Tóm tắt quá trình xây dựng, trưởng thành của Đảng bộ thị xã Kinh Môn
a. Đảng bộ và nhân dân Kinh Môn trong kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược
Trải qua 78 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã Kinh Môn, nhân dân Kinh Môn đã thực hiện trọn vẹn lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19 tháng 12 năm 1946 “thà hi sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước, cứu nhà góp phần cùng quân dân cả nước giành được những thắng lợi ngày một to lớn hơn mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”, buộc Thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ - ne - vơ, từng bước rút khỏi Việt Nam.
Kinh Môn nằm ở vị trí chiến lược quan trọng ở Bắc Bộ, nên cuộc chiến đấu của nhân dân Kinh Môn diễn ra quyết liệt, liên tục từ ngày đầu kháng chiến (20/12/1946) đến lúc tên thực dân xâm lược cuối cùng rút khỏi Kinh Môn. Trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, trải qua bao gian khổ, hy sinh mất mát, song Đảng bộ thị xã Kinh Môn đã kiên trì và sáng suốt lãnh đạo nhân dân từng bước vươn lên đánh bại mọi âm mưu thâm độc trên mọi lĩnh vực của kẻ thù và giành thắng lợi trọn vẹn.
Quá trình tiến hành cuộc đấu tranh gian khổ, quyết liệt với tên đế quốc hùng mạnh, Đảng bộ thị xã Kinh Môn luôn thấm nhuần quan điểm:“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, lấy nhân dân lao động làm nòng cốt xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, làm động lực cho cách mạng. Hơn ai hết, các cấp lãnh đạo đã hiểu rõ, đây là điều kiện cốt lõi để kháng chiến thắng lợi. Vì vậy, dù bị kẻ địch khủng bố ác liệt, song cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ vẫn kiên trì bám dân, bám đất hoạt động, tích cực tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng thành một khối đại đoàn kết rộng rãi, tạo thành lực lượng chính trị mạnh mẽ, thống nhất ý chí, hành động theo sự lãnh đạo của Đảng bộ, để đối phó với mọi âm mưu của kẻ thù. Mỗi bước phát triển của cách mạng đều gắn với sự đóng góp to lớn của nhân dân, từ của cải vật chất đến sự đùm bọc che chở nuôi dấu cán bộ, đảng viên, bộ đội, dân quân, du kích. Ở những vùng công giáo, mặc dù địch tìm mọi cách lôi kéo, mua chuộc nhân dân, phản động hóa thanh niên, để tách nhân dân ra khỏi sự nghiệp kháng chiến, song cán bộ, đảng viên vẫn kiên trì thâm nhập vào quần chúng nhân dân giúp nhân nhân hiểu rõ về âm mưu của kẻ thù, từ đó vận động, thuyết phục nhân dân hăng hái ủng hộ kháng chiến. Nhờ vậy, khi cách mạng, lực lượng kháng chiến gặp khó khăn, nguy hiểm, gian khổ, tổn thất, nhưng nhân dân luôn tin tưởng vào sự nghiệp kháng chiến, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ. Với ý chí, niềm tin ấy đã tạo nên sức mạnh vật chất, là yếu tố cơ bản đi đến thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến”.
b. Đảng bộ và nhân dân Kinh Môn xây dựng CNXH và kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhân dân Kinh Môn và nhân dân cả nước vui mừng, phấn khởi bước vào xây dựng cuộc sống mới, nhưng cũng còn gặp vô vàn những khó khăn do chiến tranh để lại. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Kinh Môn đã đoàn kết một lòng, tương trợ lẫn nhau, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, đưa người dân vào hình thức lao động tập thể.
Bước vào thập niên 60, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân - nông dân và các tầng lớp xã hội khác ở Kinh Môn tiếp tục thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và hoàn thành thắng lợi với kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề ra (9/1960).
Từ năm 1965, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, quân dân Kinh Môn “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”; trên đồng ruộng những người nông dân tập thể chắc tay cày, vững tay súng; người công nhân nhà máy, xí nghiệp chắc “tay búa, tay súng”, không kể hiểm nguy vẫn ngày đêm “bám ruộng, bám máy” để sản xuất; không biết bao mồ hôi và máu đã đổ để làm nên cánh đồng 5 tấn, năng suất gấp hai, gấp ba trong các công trường, xí nghiệp. Đây là những cố gắng vượt bậc của
nhân dân Kinh Môn vì “miền Nam ruột thịt”.
Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiết một người”, hàng vạn người con Kinh Môn đã anh dũng cùng cả nước“xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chiến đấu trên mọi nẻo đường Tổ quốc; các chỉ tiêu tham gia về lực lượng, thực phẩm đối với Nhà nước năm nào cũng đạt và vượt kế hoạch. Các lực lượng vũ trang Kinh Môn đã tham gia chiến đấu hàng chục trận với không lực Hoa kỳ, đã bắn rơi, bắn cháy 4 máy bay phản lực của không quân Hoa kỳ, bắt sống giặc lái, thu chiến lợi phẩm, bảo vệ vùng đất, bầu trời quê hương. Hình ảnh những em bé đội mũ rơm đến trường học; anh công nhân “tay búa, tay súng” lao động quên mình trên công trường, xí nghiệp; bác nông dân “tay cày, tay súng” nơi đồng ruộng; các cụ già chăm chút vườn cây; cô dân quân hiên ngang ngoài trận địa... Tất cả những hình ảnh đó đã thể hiện một ý chí sắt đá, một sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Có thể nói đây là những năm tháng gian lao nhất, nhưng cũng hào hùng nhất, đã để lại những dấu ấn đậm nét nhất cho trang lịch sử vàng truyền thống Kinh Môn anh hùng.
c. Đảng bộ và nhân dân Kinh Môn thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta kết thúc bằng đại thắng mùa xuân năm 1975. Thắng lợi của lịch sử này đã mở ra một kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam, kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc cả nước đi lên CNXH. Đây là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống Mỹ cứu nước, cùng với Bạch Đằng Giang, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ... là những mốc son vinh quang, chói lọi trong quá trình đi lên của lịch sử nước nhà, là niềm tự hào cho muôn đời con cháu mai sau.
Sau khi nước nhà được thống nhất, cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhân dân Kinh Môn dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã nỗ lực vượt bậc để phát triển kinh tế, xây dựng CNXH và góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Tổng kết 2 cuộc kháng chiến và chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, Kinh Môn đã có 3.263 liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách thương binh 965 người (trong đó: thương bệnh binh nặng: 33 người, bệnh binh là 663 người), 342 bà mẹ được Nhà nước phong tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng, quân và dân Kinh Môn được Đảng và Nhà nước phong tặng “đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 6 xã: Duy Tân, An Sinh, Hiệp Hòa, Hiệp An, Tân Dân, Thất Hùng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 5 người con ưu tú đã được Đảng, nhà nước ghi công, vinh danh, phong tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân.
d. Kinh Môn được tái lập, Đảng bộ và nhân dân Kinh Môn thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng (1986 - 2023) và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận thành lập thị xã Kinh Môn
Trước thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Kinh Môn thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Xây dựng Kinh Môn trở thành đơn vị mạnh về kinh tế, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng. Hàng nghìn thanh niên hăng hái lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong đó nhiều đồng chí tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới. Từ ngày 24/2/1979 - 30/3/1997 (18 năm) huyện Kinh Môn hợp nhất với huyện Kim Thành, thành huyện Kim Môn. Ngày 01/4/1997 chia tách huyện Kim Môn thành 2 huyện Kinh Môn và huyện Kim Thành theo Nghị định số 11/CP ngày 17/02/1997 của Chính phủ.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kinh Môn đã nỗ lực phấn đấu dành được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng nhanh. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 11,8%/năm (mục tiêu tăng 9,5%/năm). Quy mô kinh tế tăng trưởng bứt phá. Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 10,5%/năm (mục tiêu 11%), trong đó: ngành nông, lâm, thủy sản 3,8% (mục tiêu 1,5%), Công nghiệp - xây dựng 11,0% (mục tiêu 11,3%), Dịch vụ 8,4% (mục tiêu 12%). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (Nông, lâm, thủy sản 3,8%, Công nghiệp - xây dựng 88,4%, Dịch vụ 7,8%); cơ cấu lao động chuyển dịch phù hợp với quá trình đô thị hóa. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 92,5 triệu đồng, tăng 37% so với năm 2020 (67,5 triệu).
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nhân dân được đẩy mạnh: các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được đưa vào sản xuất tập trung; áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, bố trí cơ cấu giống, trà lúa và thời vụ hợp lý; chủ động ứng dụng mô hình nhà màng, nhà lưới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Giá trị sản xuất/ha/năm đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 330 triệu đồng (mục tiêu 270 triệu đồng). Mở rộng quy mô sản xuất theo quy trình Vietgap. Năm 2020, thị xã mới có 10 sản phẩm OCOP, đến nay toàn thị xã đã có 25 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận[1] và 11 sản phẩm nông nghiệp được cấp nhãn hiệu tập thể và đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”[2]. Đến nay xã Bạch Đằng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 04 xã: Hiệp Hòa, Lê Ninh, Lạc Long, Thượng Quận đạt chuẩn NTM nâng cao; Phấn đấu đến hết năm 2023 có thêm 02 xã (Minh Hòa, Thăng Long) đạt chuẩn NTM nâng cao và xã Hiệp Hòa đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước cả năm 2023 đạt 58.000 tỷ đồng, tăng 36,8% so với năm 2020. Bình quân 3 năm tăng 11%, chưa đạt mục tiêu đề ra (kế hoạch là 11,3%). Đã có thêm 02 Cụm công nghiệp được quyết định thành lập (CCN Quang Trung và CCN Thất Hùng) và 02 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 (CCN Thăng Long và CCN An Phụ). Đây là cơ sở thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo định hướng Nghị quyết đã đề ra[3].
Công tác quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị được tăng cường, thủ tục cấp phép xây dựng được công khai và đơn giản hóa. Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Kinh Môn đến năm 2040 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1275/QĐ-UBND ngày 18/5/2022; đang tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị, quy hoạch 6 phân khu[4] và đang phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng của 6 xã[5]. Chủ động thực hiện lập, phê duyệt quy hoạch và triển khai 10 đồ án quy hoạch Khu đô thị, Khu dân cư, trong đó 05 đồ án quy hoạch đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết[6]; 03 đồ án quy hoạch chi tiết đã báo cáo Tỉnh uỷ và đang xin ý kiến Sở Xây dựng; 02 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng không thuộc diện báo cáo theo quy chế Tỉnh uỷ[7].
Giá trị sản xuất dịch vụ ước cả năm 2023 đạt 5.130 tỷ đồng, tăng 27,3% so với năm 2020. Hoạt động thương mại-dịch vụ có nhiều khởi sắc, nhiều ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng cao; hàng hoá phong phú, đa dạng, cân đối cung cầu các nhóm hàng thiết yếu được đảm bảo, cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hoá phục vụ nhân dân.
Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh[8] được quan tâm. Triển khai lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Công tác phát triển du lịch đã đạt kết quả nhất định sau thời gian dịch bệnh kéo dài, đã có trên 200 nghìn lượt khách tham quan, chiêm bái tại các khu di tích trên địa bàn thị xã. Lễ hội Đền Cao An Phụ được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia; khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh là điều kiện tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch của thị xã.
Hoạt động tín dụng trên địa bàn đáp ứng nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế để phục vụ sản xuất- kinh doanh. Dịch vụ tín dụng, ngân hàng tăng trưởng khá, chất lượng tín dụng được nâng lên, tổng nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn thị xã đến nay là 8.928 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân 11,2 %/năm; Chi ngân sách được cân đối, đáp ứng cơ bản các yêu cầu cho điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của thị xã, các xã, phường; đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Quan tâm cơ cấu lại việc chi ngân sách nhà nước, tập trung cho đầu tư hạ tầng đô thị, phấn đấu hoàn thành tiêu chí đô thị loại III. Tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng lớn so với tổng chi ngân sách nhà nước (năm 2021 là 223 tỷ, chiếm 23,5%; năm 2022 là 260 tỷ, chiếm 25,9%). Giai đoạn 2021-2025 thị xã dự kiến thực hiện 70 công trình, dự án đầu tư công, tổng nguồn vốn dự kiến 3.218 tỷ 025 triệu đồng. Đến tháng 6 năm 2023 đã triển khai thực hiện 34 công trình, dự án, tổng mức đầu tư 743 tỷ 057 triệu đồng đạt 23,09% kế hoạch. Số vốn đã bố trí để thực hiện các chương trình, dự án 548 tỷ 957 triệu đồng, đạt 73,88% so với tổng mức đầu tư được HĐND, UBND thị xã phê duyệt.
Triển khai thực hiện 25/34 dự án hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư được duyệt và mức vốn đã phân bổ thực hiện là 291 tỷ 689 triệu đồng, đạt 28,89% kế hoạch. Một số công trình trọng điểm được đầu tư như: Quảng trường khu liên hợp thể thao; Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thị xã (ĐH01, ĐH05, ĐH06, ĐH07); Nhà làm việc Một cửa thị xã; Xây dựng Nhà tang lễ; Hệ thống điện chiếu sáng đô thị.
Quy mô trường lớp ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; cơ bản đảm bảo thực hiện các mục tiêu giáo dục ở địa phương. Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 98%, tỷ lệ học sinh đỗ Cao đẳng, Đại học ngày càng tăng. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm[9]. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; huy động nhiều nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất[10]; công tác khuyến học, khuyến tài được phát triển sâu rộng.
Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân thường xuyên được quan tâm; chất lượng ngày càng được nâng lên; 100% các xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 và tiếp tục triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 theo lộ trình. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thị xã qua các giai đoạn bùng phát dịch đạt kết quả tốt. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được thực hiện theo kế hoạch đề ra; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng các loại vắc xin đạt trên 95%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm mạnh xuống còn 12,7%. Các hoạt động truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân hàng năm đạt 0,64%; tỷ số giới tính khi sinh ước 6 tháng 2023 là 106 bé trai/100 bé gái (mục tiêu 110/100).
Hệ thống đào tạo nghề của thị xã có nhiều đổi mới về hình thức và ngành nghề; số lượng lao động qua đào tạo, có tay nghề dần đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn[11]. Từ năm 2021 đến hết 6 tháng năm 2023, tạo việc làm mới cho 7.007 lao động, bình quân 2.802 lao động/năm; cơ cấu lao động nông nghiệp - công nghiệp- dịch vụ chuyển dịch tích cực đạt: 23,7% - 48% - 28,3%.
Thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách xã hội đối với người có công, các đối tượng hưởng chính sách theo quy định. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 6.089 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; 8.255 người cho các đối tượng là người nghèo và cận nghèo. Làm tốt công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, công tác bình đẳng giới, phòng chống các tệ nạn xã hội, công tác từ thiện nhân đạo và an sinh xã hội. Công tác giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,61%.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; số làng, khu dân cư văn hóa đạt trên 94% qua các năm; tỷ lệ số hộ gia đình văn hóa đạt 96,8%. Công tác bảo tồn di sản văn hóa được quan tâm, huy động các nguồn lực tập trung đầu tư cải tạo và nâng cấp các di tích trên địa bàn. Đang tích cực hoàn thành lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh di tích Quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương[12].
Tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao thị xã lần thứ IX năm 2022. Hoạt động văn nghệ quần chúng tại cơ sở được duy trì và phát triển, tích cực tham gia các hội thi, liên hoan cấp tỉnh đạt thành tích cao; phong trào thể dục thể thao của thị xã ngày càng lan tỏa sâu rộng. Hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan được triển khai thực hiện có hiệu quả, phản ánh kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị và các hoạt động trên địa bàn thị xã. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền các ngành, lĩnh vực trên mọi mặt của đời sống xã, hội. Đang hoàn thiện hồ sơ lập dự án xây dựng hạ tầng, ứng dụng chuyển đổi số thị xã Kinh Môn giai đoạn 2023-2025; phối hợp với Viettel Hải Dương triển khai thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất được đẩy mạnh: đưa các loại giống, cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất; việc chuyển giao khoa học kỹ thuật được chú trọng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, hướng dẫn quy trình kỹ thuật về sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, xây dựng các điểm trình diễn mô hình, giá trị sản xuất được nâng lên, giúp cho người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất[13]; công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai giai đoạn 2020-2022 được thực hiện có hiệu quả. Việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Các hoạt động quản lý khai thác khoáng sản, đặc biệt khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng luôn được quan tâm; chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, triển khai tới từng xã, phường trên địa bàn.
Tập trung xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện, hội thi, hội thao, diễn tập khu vực phòng thủ cấp thị xã; chỉ đạo tổ chức diễn tập cho các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt kết quả tốt. Công tác tuyển quân hàng năm đảm bảo 100% số lượng được giao, chất lượng ngày càng được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh. Tập trung tối đa lực lượng triển khai thực hiện Đề án 06 và 02 Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết, đấu tranh trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ; duy trì và thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc gắn với việc thực hiện Đề án xây dựng “Làng an toàn, khu dân cư an toàn, cơ quan doanh nghiệp, trường học an toàn về ANTT” góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác cải cách hành chính đặc biệt là lả cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế được đẩy mạnh, đạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân khi thực giải quyết thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức doanh nghiệp làm thước đo kết quả cải cách hành chính. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được coi trọng và thực hiện nghiêm túc; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, vai trò người đứng đầu trong việc thực hiện kết luận sau thanh tra; Công tác tiếp công dân được duy trì thường xuyên theo đúng luật định.
Chủ động tham gia nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; tiếp và làm việc với các đoàn khách, nhà đầu tư trong nước và quốc tế, các tổ chức phi chính phủ về khảo sát, nghiên cứu đầu tư. Quan hệ hợp tác với các cơ quan trung ương, tỉnh, các quận, huyện, thị xã, thành phố bạn được mở rộng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Với quyết tâm chính trị, để hoàn thành mục tiêu xây dựng Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại III trước năm 2025, trở thành thành phố trước năm 2030 theo Nghị quyết 35-NQ/TU ngày 19/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương về xây dựng, phát triển thị xã Kinh Môn giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến cơ sở đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm tạo khâu đột phá để đẩy nhanh tiến độ phát triển đô thị. Chủ động tạo nguồn và huy động nhiều nguồn lực từ thực hiện lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị mới đảm bảo các tiêu chí đô thị loại III và trở thành thành phố theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trải qua 78 năm kể từ ngày thành lập, Đảng bộ thị xã Kinh Môn hiện có 59 tổ chức đảng trực thuộc với 8.355 đảng viên; trong đó, có 23 đảng bộ xã, phường, 11 tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng khối cơ quan, 17 TCCS đảng khối công ty, doanh nghiệp và 08 TCCS đảng đơn vị sự nghiệp; có 312 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở. Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã khóa XXV, nhiệm kỳ 2020- 2025 có 41 đồng chí. Đảng bộ thị xã liên tục giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh; chính quyền đạt trong sạch vững mạnh; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị đạt vững mạnh được cấp trên khen thưởng.
78 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện đạt nhiều thành quả thắng lợi nổi trội, được các cấp có thẩm quyền ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và nhà nước, như: Huân chương chiến công hạng Nhất; Huân chương kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì; Huân Chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Đặc biệt Kinh Môn được phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý của các cấp có thẩm quyền.
Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Chi bộ đảng đầu tiên - tiền thân Đảng bộ thị xã Kinh Môn, Đảng bộ và nhân dân thị xã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, kiên định với lý tưởng và con đường lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, không ngừng tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát huy và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Quyết tâm xây dựng đô thị Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại III trước năm 2025, trở thành thành phố trước năm 2030./.
BAN TUYÊN GIÁO THỊ ỦY
[1] Đạt 4 sao có 10 sản phẩm (Tỏi đen Vietkiga, Rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm, Rượu tỏi, Cam Vũ Xá, Rượu sâm sắn dây, Rượu đông trùng hạ thảo, Thanh long ruột đỏ Đại Uyên, Gạo nếp cái hoa vàng Phương Khiêm, Rượu Vang nếp, Rượu sim rừng); 15 sản phẩm đạt 3 sao (Trứng đà điểu Bình Minh, Tỏi mật, Vang tỏi đen Vietkiga, Siro tỏi đen Vietkiga, Bột sắn dây nguyên chất Thành Nhàn, Mật ong rừng An Sinh, Trứng gà Thảo Mộc, Rượu An Sinh Vương ủ gỗ sồi, Rượu ngô nếp + gạo nếp cái hoa vàng An Sinh Vương, Ổi Thất Hùng, Bánh Lòng Bà Minh, Rượu nếp cái hoa vàng Văn Tưởng, Trứng cút Minh Bốn, Hành khô Kinh Môn, Tỏi khô Kinh Môn).
[2] Gạo nếp cái Hoa Vàng Kinh Môn, Sắn dây Kinh Môn, Hành Kinh Môn, Tỏi Kinh Môn, Rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm, Thanh long ruột đỏ, Rượu ngô nếp+gạo nếp cái hoa vàng An Sinh Vương, Tỏi mật, Rượu sâm sắn dây, Rượu đông trùng Hạ Thảo, Cam.
[3]Trong đó 04/08 cụm gồm: Hiệp Sơn, Long Xuyên, Phú Thứ và Duy Tân đã hình thành từ trước năm 2020; 04/08 cụm mới thành lập gồm: An Phụ và Thăng Long, Quang Trung và Thất Hùng các cụm này đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng.
[4]Phân khu đô thị hiện hữu (gồm phường An Lưu, Hiệp An, Thái Thịnh, Long Xuyên, Hiệp Sơn); Phân khu đô thị cửa ngõ (phường An phụ, Thượng Quận); Phân khu đô thị trung tâm (phường Phạm Thái, An Sinh); Phân khu đô thị công nghiệp phía Tây Bắc (phường Thất Hùng); Phân khu đô thị sinh thái (phường Phú Thứ, Minh Tân, Tân Dân, Duy Tân, xã Hoành Sơn); Phân khu đô thị công nghiệp phía Tây (xã Quang Thành).
[5] Gồm Quy hoạch chung các xã: Bạch Đằng, Thăng Long, Lạc Long, Lê Ninh, Hiệp Hoà, Minh Hoà.
[6]Khu dân cư mới Tây Sơn, phường Hiệp An; Khu dân cư, sinh thái, dịch vụ thương mại Tây Sơn, phường An Phụ, Hiệp An, Hiệp Sơn; Khu dân cư phía Tây Bắc phường An Lưu; Khu dân cư mới Kim Lôi, xã Bạch Đằng; Khu dân cư mới phía Nam phường An Lưu.
[7]Khu dân cư mới, khu tái định cư xã Thượng Quận; Khu dân cư cổng làng Hạ Chiểu, phường Minh Tân
[8]Tính đến tháng 6/2023, đã có 11 di tích được trùng tu, tôn tạo, đạt 110% kế hoạch (dự kiến cả nhiệm kỳ là 10 di tích) với tổng số kinh phí đầu tư đạt trên 08 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ tu sửa cấp thiết của tỉnh, nguồn đầu tư công của thị xã và nguồn xã hội hóa.
[9]xây dựng mới 08 trường chuẩn (05 trường mức độ 1 và 03 trường mức độ 2), đưa tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thị xã đến nay là 60 trường (trong đó: Mầm non 15, Tiểu học 23, THCS 22).
[10] Đầu tư xây dựng được 46 phòng học các cấp.
[11]Liên kết với các trường, mở được 33 lớp dạy nghề cho 1.428 người trên các ngành, lĩnh vực; bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghề cho 3.313 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có chứng chỉ lên 34,71% trong năm 2022; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,95%.
[12]Đến nay, đơn vị tư vấn - Công ty Công ty cổ phần bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt đang tiếp thu ý kiến của các ngành để hoàn thiện phương án báo cáo UBND tỉnh.
[13]UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm đều được UBND thị xã công khai theo quy định.