Từ xưa đến nay, trong xã hội đã hình thành nét văn hóa ứng xử để làm cho con người có những hành vi chuẩn mực với nhau hơn. Văn hóa ứng xử là nét đẹp của mỗi người được hình thành trong quá trình tương tác giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các thế hệ thông qua hành vi giao tiếp (ngôn ngữ, cử chỉ) nhằm hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, trong thực tế, bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa ứng xử
lại xuất hiện những hành vi lệch chuẩn như thói xu nịnh, làm ảnh hưởng đến nhân cách con người, gây nên những hệ lụy khó lường.
Thói xu nịnh có nhiều kiểu, nhiều cách, nhiều cấp độ khác nhau, với muôn hình vạn trạng, biến hóa khôn lường, nịnh trên, nịnh dưới, ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành trong các cơ quan, đơn vị, có khi tiềm ẩn rất lâu, đến một thời điểm nhất định nào đó mới bộc lộ. Kẻ nịnh trên thì thường chèn dưới, thích báo cáo vẽ vời, ba hoa, khoác lác. Họ sẵn sàng uốn lưỡi, cong lưng, hạ mình để được trọng dụng, cất nhắc, thăng quan tiến chức, lên lương, khen thưởng, thậm chí có thể được che chở khi “lâm nạn”…
Không phải bây giờ, mà từ xưa, thói xu nịnh đã tồn tại trong xã hội. Hình ảnh của Hòa Thân thời vua Càn Long chính là bậc thầy của thói xu nịnh. Tương truyền, có lần Càn Long hỏi Hòa Thân: “Khanh là trung thần hay gian thần”. Hòa Thân đáp: “Thần không phải trung thần, cũng không phải gian thần. Thần là nịnh thần”. Vua Càn Long hỏi tại sao, Hòa Thân tiếp tục đáp: “Trung thần rồi cũng sẽ bị giết. Gian thần càng bị giết. Chỉ có nịnh thần là sống lâu nhất!”…
Ngày nay, cùng với việc số người có bằng cấp ngày càng gia tăng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thói xu nịnh cũng có sự “đổi mới”, đa dạng, phong phú và tinh vi hơn, nhiều người “mượn” cả phê bình để xu nịnh. Họ thường tùy cơ ứng biến, bất kể trường hợp nào cũng nịnh được, thậm chí nịnh rất hay, như câu chuyện sinh hoạt tại cơ quan công quyền có anh cấp dưới đứng lên hùng hồn phát biểu: “Tôi thẳng thắn phê bình thủ trưởng. Thủ trưởng làm việc nhiều quá, ảnh hưởng đến sức khỏe, mà sức khỏe của thủ trưởng là vốn quý của cơ quan”; hay họ mượn các cuộc rượu để nịnh nọt “Em kính thủ trưởng một ly!”, “Em kính sức khỏe sếp!”…
Người nịnh nọt và người ưa nịnh là hai mặt của một vấn đề. Có người nịnh bởi vì có người ưa nịnh. Hai “đối tác” này kết thành phe cánh, tạo nguồn lợi cho nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần khẳng định, người nịnh và người được nịnh đều tự làm mất nhân cách của họ. Thói nịnh bợ gây tác hại không nhỏ. Nó làm cho chính người nịnh mất hết bản lĩnh, trở thành biến chất, thoái hóa. Nó làm cho người được nịnh không đánh giá đúng bản thân mình, sinh ra chủ quan, tự mãn. Nếu người được nịnh là cán bộ có chức, có quyền thì có thể sẽ làm tổn hại đến công việc chung, dẫn đến đánh giá sai lệch cán bộ dưới quyền. Hậu quả là người tốt không được trọng dụng, người xấu lấn lướt lộng quyền và là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ, chia bè, kéo cánh trong cơ quan, đơn vị, làm suy yếu tổ chức…
Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên khá nhiều khuyết điểm của không ít cán bộ, đảng viên, dẫn ra nhiều “căn bệnh”, trong đó có “bệnh xu nịnh, a dua”. Bác khẳng định: Mắc những căn bệnh đó là do “kém tính đảng”, mắc một trong những bệnh đó “là hỏng việc”. Người căn dặn “chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy”.
Nguồn: Báo Phòng không - Không quân